Honor ra mắt lần đầu tại triển lãm công nghệ CES 2015. |
Trái ngược với đa phần thương hiệu smartphone phân phối qua hệ thống bán lẻ, Honor (công ty con thuộc tập đoàn công nghệ Huawei vừa thành lập năm 2013) đã bỏ qua việc tiếp thị và phân phối theo mô hình truyền thống mà bán hàng hoàn toàn thông qua mạng Internet. Nhờ đó, hãng không phải chi nhiều tiền cho quảng cáo để quảng bá thương hiệu.
Phương thức bán hàng này khá phổ biến ở các nước. Trên thị trường điện thoại di động thế giới, không ít sản phẩm đã tạo nên bước đột phá về tốc độ tăng trưởng, doanh thu và khả năng nhận diện thương hiệu thông qua hình thức thương mại điện tử.
Gần đây, một số thương hiệu điện thoại di động tại Việt Nam đã thử ứng dụng mô hình kinh doanh thương mại điện tử khi chỉ bán sản phẩm trên kênh trực tuyến mà không thông qua hệ thống cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Với hình thức thương mại điện tử mới, người tiêu dùng hưởng lợi từ việc tiết kiệm chi phí quảng cáo và phân phối. |
Đối với bán hàng online, với mỗi USD được tiết kiệm từ việc quảng cáo và phân phối, theo ước tính là 30-40% thì người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi. Với chi phí phân phối được cắt giảm, giá cả của mỗi sản phẩm Honor đến tay người tiêu dùng ở mức phù hợp hơn.
Sáu tháng sau khi thành lập, hãng đã được chào đón ở 57 thị trường trên thế giới, với 1,5 triệu sản phẩm được bán đi.
Năm 2014, chiếc smartphone Honor 3C lần đầu tiên được giới thiệu ở Malaysia và bán qua phương thức trực tuyến, chủ yếu thông qua Vmall. Honor và Vmall đều đạt được bước tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Nicolas Zhuhaifeng, Giám đốc mảng Thương mại điện tử Honor khu vực Nam Thái Bình Dương chia sẻ: “Doanh số đã vượt mong đợi của chúng tôi, Vmall nhận được 5.000 đơn đặt hàng gần như cùng một lúc”.
Theo Nicolas, đỉnh cao của 5.000 đơn đặt hàng là vào khoảng một hoặc 2 tuần sau khi bắt đầu nhận đợt đặt hàng thứ hai. “Chúng tôi đầu tư nhiều vào chất lượng sản phẩm hơn là tiếp thị. Chúng tôi tin rằng cốt lõi của thương mại điện tử là chất lượng sản phẩm và đặt khách hàng lên hàng đầu, ví dụ như cung cấp dịch vụ một đổi một trong vòng sáu tháng kể từ ngày mua vì chúng tôi tự tin với chất lượng sản phẩm của mình”, ông nhấn mạnh.
Sức mạnh của công ty còn được thể hiện ở tốc độ giao sản phẩm, 85% các đơn đặt hàng trực tuyến sẽ nhận được hàng vào ngày thứ hai, trong khi 15% còn lại phải mất hơn một ngày vì yếu tố địa lý. Có tới 98% khách hàng nhận được sản phẩm trong vòng 48 giờ sau khi họ đặt hàng trực tuyến.
Chiếc smartphone Honor 3C lần đầu tiên được giới thiệu ở Malaysia và chỉ được bán qua phương thức trực tuyến. |
“Đó không chỉ là marketing đột phá, mà còn là về việc cung cấp các giá trị thông qua sản phẩm của Honor và dịch vụ của Vmall. Với dịch vụ tốt về giao hàng và hỗ trợ khách hàng, tôi có niềm tin mạnh mẽ vào sự phát triển của Vmall và Honor, không chỉ ở Malaysia mà còn ở những thị trường tiềm năng mới”, Nicholas cho biết.
Sở hữu lợi thế của một bộ máy tinh gọn, đi kèm sức mạnh công nghệ với hơn 26 trung tâm nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu, tốc độ giao hàng nhanh đã giúp Honor trở thành tên tuổi mới trong thời đại công nghệ số.
Doanh thu của Honor tăng từ 100 triệu USD trong năm đầu thành lập, sau 12 tháng đã đạt 2,3 tỷ USD.
Theo hãng nghiên cứu eMarketer, Việt Nam có khoảng một phần ba dân số truy cập Internet. Trong đó, tỷ lệ website có tính năng đặt hàng trực tuyến là 58%, tỷ lệ website có tính năng thành toán trực tuyến là 15%. Sự phổ biến của Internet, 3G và các thiết bị di động đã thêm sức mạnh cho thương mại điện tử Việt Nam cất cánh. Doanh thu dự kiến lên đến 4 tỷ USD trong năm 2015 và phát triển hơn nữa trong năm 2016.
Thu Ngân